Mắm Cá Linh Đặc Sản Miền Tây
Cá linh có thân hình thuôn dài, với phần đầu hơi dẹp, mắt to tròn và lồi, phần lưng có lớp vảy màu xám ánh xanh vàng, phần bụng có màu trắng. Phần vây và đuôi rất mềm có ánh vàng. Lúc nhỏ, Cá có kích thước chỉ bằng ngón út trẻ con, khi trưởng thành kích thước cơ thể cũng chỉ to bằng ngón tay cái của người lớn.
Cá linh là sản vật được thiên nhiên ban tặng cho người dân Miền Tây Nam Bộ nước ta. Hàng năm, cứ vào Mùa nước nổi thì cá linh sẽ trôi từ trên thượng nguồn về phía hạ nguồn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng được xem là đặc sản địa lý của Miền Tây với thương hiệu “cá linh mùa nước nổi”.
Cá linh sau khi cho vào hũ ướp muối sẽ được gài kín lại. Khoảng một tháng sau nước muối sẽ chảy ra ngập cá. Lúc này người ta sẽ lấy cá ra, để ráo nước rồi rắc thính vào. Thính được rắc đều khắp mình cá, bụng cá. Cuối cùng cho cá vào hũ như cũ và để vậy chừng 40 – 45 ngày sau thì bắt đầu tiến hành châm đường. Châm đường có nghĩa là hoà đường với nước rồi nấu cho kẹo lại. Cá được gỡ ra cho ráo nước xong được xếp lại vào trong hũ. Lúc này, cứ một lớp cá lại rưới một lớp nước đường. Lần lượt như vậy cho tới lớp trên cùng sẽ là lớp nước đường, sau khoảng gần 2 tháng thì cá chín và có thể bắt đầu thưởng thức được.
Chế biến Mắm Cá Linh sao cho ngon?
Mắm cá linh có thể dùng trực tiếp, gắp mắm ra chén rồi cho thêm một chút đường, tỏi ớt giã nhuyễn, vài giọt nước cốt chanh… trộn đều lên là có thể dùng để ăn kèm với rau sống, bún tươi hay khế chua. Mùi thơm của mắm hòa cùng vị cay nồng của sả ớt khiến món ăn bình dân trở thành thứ đặc sản của vùng quê miền Tây Nam bộ.
Ngoài ra chế biến thành những món ăn rất ngon như bún mắm, lẩu mắm, mắm chưng,…